Phiên thảo luận chiều 21/6 của Quốc hội.

Lo chồng chéo, mâu thuẫn

Trước khi được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên làm việc cuối cùng của tuần qua, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 đã được thảo luận ở tổ trước đó một ngày.

Lúc đó, có đại biểu chia sẻ rằng, khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình thì thấy bừng bừng khí thế, nhưng khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra thì lại thấy đầy băn khoăn, đầy âu lo.

Tại tờ trình “bừng bừng” khí thế đó, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định.

Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210, Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Mục đích của đề xuất này là sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành, đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Chính phủ cũng khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi các luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Nhưng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần bổ sung rất nhiều thông tin nữa mới đầy đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định, bao gồm ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các tổ chức đại diện quyền và lợi ích của các doanh nghiệp về nội dung Dự án luật.

Lo ngại của Ủy ban Kinh tế cũng nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tổ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sự cần thiết điều chỉnh hiệu lực sớm thì không cần bàn nữa, vì các luật có hiệu lực sớm sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng cũng cho rằng, băn khoăn của đại biểu về tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn có đúng hạn để không tạo ra khoảng trống pháp lý hay không là đúng.

“Thế nhưng ở đây, không phải chỉ để khắc phục các khoảng trống pháp lý. Còn một vấn đề nữa, là không được chồng chéo, mâu thuẫn và xung đột với các luật khác. Chúng tôi cũng rất ngại, ban hành không kịp thì thiếu, nhưng kịp mà không đồng bộ, không thống nhất, mà mâu thuẫn thì còn chết nữa, rất là nguy hiểm”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng lấy ví dụ, theo Luật Đấu thầu cũ thì chọn tư vấn không phải đấu thầu, có thể cho chỉ định thầu. Thế nhưng, Luật Đấu thầu mới quy định phải đấu thầu hết, chọn tư vấn cũng phải đấu thầu. Mà, định giá đất là tư vấn, nhưng nếu tư vấn họ ngại, không có ai tham gia đấu thầu định giá đất, thì làm thế nào?”. Chúng tôi phải đi làm lại mãi để làm sao phải vẫn phải đáp ứng được yêu cầu của của các luật này, mà vẫn phải giải quyết được việc này trong thực tiễn”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Hướng giải quyết, theo Bộ trưởng, nếu lần đầu không có ai tham gia thì gia hạn lần một, thông báo mời tiếp và nếu gia hạn rồi mà vẫn không được nữa thì cho chỉ định thầu.

“Tinh thần chung là Chính phủ, Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành làm ngày, làm đêm trong suốt cả mấy tuần nay để làm sao ban hành kịp các văn bản hướng dẫn. Nhưng đúng như các đại biểu nói, là phải đảm bảo hai yếu tố. Một là không để khoảng trống pháp luật. Hai là không được mâu thuẫn, chồng chéo và phải đi vào cuộc sống, phải giải quyết được vướng mắc. Chứ có hiệu lực sớm mà vẫn tắc, vẫn vướng, thì cũng không ăn thua”, Bộ trưởng Dũng nói khi tham gia thảo luận tại tổ.

Đã nói được thì phải làm được

Phiên thảo luận tại hội trường chiều 21/6 chỉ có 11 vị phát biểu và đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết điều chỉnh hiệu lực để các luật trên đi vào cuộc sống sớm hơn 5 tháng, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị thực hiện đề xuất này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ lường trước những khó khăn có thể phát sinh và có giải pháp ứng phó cũng như cam kết về tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng ban hành các văn bản thuộc trách nhiệm của địa phương. Chính phủ cũng cần đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh dẫn đến khoảng trống pháp lý, hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động, của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật.

“Từ thực tiễn điều hành ở địa phương, chúng tôi lại càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống”, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu.

Về điều kiện đảm bảo, tại tờ trình dự án luật, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi các luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Cho rằng đây được coi là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua luật, song đại biểu Hà Sỹ Đồng còn băn khoăn khi tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành.

Ông Đồng nêu ví dụ, khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai thì vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp có ý kiến mong muốn được tháo gỡ vướng mắc liên quan đất cho nhà ở thương mại.

Chính phủ đã tính đến Đề án Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và nội dung này đã được đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, đây là việc có lợi cho nước, cho dân, từ tháng 2 năm nay đã khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án này, với phương án tốt nhất là được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành cùng với Luật Đất đai.

“Thế nhưng, đến giờ này, Đề án chưa được trình Quốc hội. Một số cử tri có nói với tôi rằng, nếu việc thí điểm này cũng được thực hiện từ ngày 1/8, thì việc các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm có tác động tích cực hơn rất nhiều. Tôi cho rằng, ý kiến này cũng không phải không có lý”, đại biểu Đồng nêu.

“Nêu ví dụ này, tôi muốn nói rằng, dù là Quốc hội, Chính phủ hay các bộ, ngành, cái gì đã nói được, thì cần phải làm được”, vị đại biểu Quảng Trị nhấn mạnh.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh không nhắc đến Đề án Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác mà đại biểu Đồng nêu.

Ông Khánh cho biết, sẽ tiếp thu nghiêm túc, giải trình những băn khoăn của đại biểu bằng văn bản và bổ sung nội dung đại biểu yêu cầu trước khi Quốc hội bấm nút.

Hồi âm băn khoăn tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn của các địa phương, Bộ trưởng nói, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, chỉ đạo các địa phương thực hiện nội dung này. Nhưng, không phải địa phương ban hành chính sách mới, đa số chính sách đã ban hành và kế thừa được, như giá bồi thường hỗ trợ, mức giao đất sản xuất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền chuyển nhượng.

“Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm được thì các địa phương đang tiến hành làm rất tích cực và chắc chắn sẽ triển khai sớm như mong mỏi của địa phương cũng như chỉ đạo của Chính phủ”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự án luật, trình Quốc hội xem xét và quyết định vào cuối kỳ họp.

Làm sao đảm bảo chắc chắn là sẽ không có tác động gì bất lợi

Tác động về mặt tích cực của việc các luật có hiệu lực sớm thì Chính phủ đánh giá rồi, nhưng những mặt bất lợi (nếu có) thì chúng ta đánh giá đầy đủ, toàn diện chưa? Quan trọng là chỗ đó.

Nếu hồ sơ Chính phủ trình sớm theo quy trình bình thường thì các cơ quan Quốc hội trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, sẽ xin ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, vì liên quan đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đồng thời, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động một cách độc lập để xem tác động của luật này như thế nào. Nhưng ngày 17/6, Chính phủ mới chính thức trình Quốc hội dự án luật, ngày 20 thảo luận tổ, để đến ngày 28 thông qua, không có thời gian lấy ý kiến, thế thì làm sao chúng ta đảm bảo chắc chắn là sẽ không có tác động gì bất lợi. Trong bối cảnh như thế thì chỉ có cách đề nghị Chính phủ khi Chính phủ đã trình, đã cam kết, thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm với cam kết đó.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội